Con trai bỏ 300 triệu biến xe thành nhà di động đưa bố đẻ, bố vợ xuyên Việt
(Dân trí) – Anh Vinh (Hà Nội) đã đầu tư bộ thiết bị hơn 300 triệu đồng để biến chiếc xe bán tải thành “nhà di động” tiện nghi, đưa bố đẻ, bố vợ xuyên Việt 20 ngày.
Chuyến hành trình xuyên Việt cùng con trai và thông gia đã kết thúc gần 1 tháng nhưng ông Nguyễn Văn Quang (77 tuổi, Hà Nội) vẫn cảm giác như “mới ngày hôm qua”. Những câu chuyện trong hành trình 20 ngày du lịch được ông tự hào kể với người thân, bạn bè.
“Đã mấy chục năm rồi tôi mới được tái hiện những ký ức như thời là người lính cụ Hồ, hành quân Bắc – Nam: Ngủ trên đường, ngủ trong rừng, ngủ ven biển… Tuy bây giờ, di chuyển bằng “nhà di động” với đầy đủ tiện nghi, đường giao thông thuận lợi, đẹp, dễ đi và con trai lo chu toàn việc ăn, nghỉ nhưng chuyến đi vẫn thực sự ý nghĩa với tôi, mang lại kỷ niệm khó quên”, ông Quang chia sẻ.
Anh Thế Vinh, con trai ông Quang cũng rất hạnh phúc khi có chuyến hành trình an toàn, nhiều kỷ niệm với bố đẻ, bố vợ và anh vợ. Sau chuyến đi, anh chia sẻ trên mạng xã hội nhiều hình ảnh của “hai người bạn đồng hành” U80, U70 nhưng trẻ trung, năng động không kém thanh niên, khiến nhiều người chú ý.
Anh Vinh cho biết, anh đã lên ý tưởng và chuẩn bị cho chuyến xuyên Việt cùng gia đình trong gần 1 năm, dù trước đó từng 2 lần đi xuyên Việt (một lần bằng xe máy và một lần bằng ô tô cá nhân).
Ngoài tìm hiểu thông tin, lên lịch trình dự kiến, anh Vinh còn ấp ủ đầu tư một bộ thiết bị được gọi là “nhà di động” chuyên dùng cho xe bán tải. Đầu năm 2024, anh đặt mua bộ thiết bị này với giá hơn 300 triệu đồng để lắp ráp lên chiếc xe bán tải. Đây trở thành phương tiện đồng hành với gia đình trong chuyến xuyên Việt.
Bộ thiết bị “nhà di động” của anh Vinh được thiết kế bởi một công ty của Đức và sản xuất tại Trung Quốc. “Tôi đã tìm hiểu rất kỹ để sản phẩm này đảm bảo đúng luật giao thông Việt Nam hiện hành”, anh Vinh cho hay.
Bộ thiết bị nặng trên 500kg, được chế tạo từ nhôm nguyên khối, kết hợp các vật liệu khác, với độ dày từ 3-4 lớp. Đặc biệt, thời gian tháo lắp thiết bị này chỉ mất 5-10 phút vì sử dụng 4 chân thủy lực được thiết kế sẵn.
Anh Vinh cho biết, khi mở phần lều chiều cao được nâng lên hơn 2,1m, đủ để người lớn có thể đứng thoải mái bên trong.
Bên ngoài xe thiết kế sẵn mái hiên di động, có thể đóng mở bằng điều khiển để che mưa, nắng khi dã ngoại. “Cứ tới khu rừng, bãi biển nào đẹp, thuận lợi để đỗ xe, bố con tôi lại kéo mái hiên di động, hạ bàn ghế, ngồi nghỉ chân, uống trà, ngắm cảnh… Trước đây tôi thường chuẩn bị lều, trại để mang theo nhưng việc mở ra, thu vào rất tốn thời gian”, anh Vinh cho hay.
Trên “ngôi nhà di động” cũng trang bị hệ thống điện, nước. Điện dự trữ 4kW đủ để phục vụ các thiết bị như điều hòa, đèn, quạt, tủ lạnh 25l, ổ sạc điện thoại… Hệ thống điện có thể sạc bằng máy phát điện từ xe, điện lưới hay pin mặt trời. Còn nước có thể trữ 60-80l, đủ phục vụ các sinh hoạt như tắm tráng, rửa đồ ăn, đồ dùng…
“Bộ thiết bị có cấu tạo kiên cố, vững chãi nên khi lái xe cảm thấy rất êm, xe đi đầm, an toàn. Tôi và anh vợ thay nhau cầm lái. Thỉnh thoảng, ở những đoạn đường đẹp, bố tôi sẽ trực tiếp lái xe để trải nghiệm và nhớ lại ký ức thời là lính lái xe Trường Sơn”, anh Vinh kể.
Khi anh Vinh chia sẻ hành trình xuyên Việt trên mạng xã hội cùng hai người bố, nhiều cư dân mạng gọi anh là “con trai quốc dân”, “con rể quốc dân”, bởi anh đầu tư rất nhiều thời gian, công sức và kinh tế cho chuyến đi.
“Bố tôi là người lính cụ Hồ từng tham gia kháng chiến tại Quảng Trị trong thời điểm cuộc chiến chống Mỹ diễn ra cam go nhất. Khi chiến tranh kết thúc, đến tận bây giờ, bố chưa từng gặp lại người đồng đội nào năm đó. Bố tôi luôn cảm thấy bản thân quá may mắn khi đi qua cuộc chiến, lành lặn trở về với gia đình. Nhưng sâu thẳm trong lòng bố là nỗi nhớ đồng đội, luôn mong muốn được thăm lại chiến trường xưa”, anh Vinh chia sẻ.
Theo anh Vinh, đó là lí do thôi thúc anh lên kế hoạch, đầu tư và thực hiện chuyến xuyên Việt.
“Thêm vào đó, đầu năm nay, bố vợ và anh vợ tôi từ Đồng Nai ra Hà Nội thăm con, cháu. Tôi nghĩ hiếm khi hai ông thông gia có dịp hội ngộ nên quyết định lên đường, đưa cả nhà du lịch dọc Bắc Nam và tiễn bố, anh vợ về quê”, anh Vinh nói.
Từ Bắc vào Nam, gia đình lựa chọn cung đường qua các tỉnh Tây Nguyên, trải nghiệm cắm trại giữa rừng núi Măng Đen và Đà Lạt. Khi trở về, anh Vinh lái xe qua cung đường ven biển, cùng bố ăn, ngủ, ngắm bình minh Phan Thiết, Phú Yên…
Mỗi ngày, họ di chuyển từ 200-300km, chỗ nào đẹp thì dừng xe nghỉ chân, tham quan, ngắm cảnh. Gia đình đặt mục tiêu trải nghiệm lên trên hết nên rất thích thưởng thức những quán ăn địa phương, uống cà phê, trà đá… vỉa hè như bà con.
“Việt Nam ta đẹp quá! Diện mạo nhiều vùng đất thay đổi hoàn toàn khiến tôi bất ngờ và tự hào”, ông Quang tâm sự. Hai ông thông gia chụp ảnh “cháy máy” từ Ninh Bình vào tới Huế, Đà Nẵng, Hội An, Măng Đen, Đà Lạt…
Ngoài những đêm nghỉ nhà nghỉ, khách sạn để đảm bảo sức khỏe cho hai người bố, anh Vinh cũng sắp xếp để cả nhà trải nghiệm “du lịch du kích” – ăn ngủ ven biển, giữa rừng. Ban đêm mấy bố con ngồi trò chuyện, tâm sự, ngắm trời sao. Sáng sớm, chỉ cần mở cửa lều, họ có thể ngắm trọn bình minh trên biển.
“Tỉnh, thành nào của Việt Nam cũng đẹp nhưng nơi mang tới cho tôi nhiều cảm xúc nhất chính là chiến trường xưa ở Quảng Trị. Trở về đây dù không thể gặp được đồng đội năm nào nhưng tôi vẫn cảm thấy có sợi dây gắn kết kỳ lạ của những người lính từng vào sinh ra tử bên nhau. Những ký ức có đau thương nhưng rất đỗi hào hùng hiện về rõ mồn một”, ông Quang xúc động chia sẻ.
Theo Dân Trí.